Gà trống thiến là gì? Tại sao cần phải thiến gà trống
Gà trống thiến chắc ai cũng từng nghe qua nhưng không phải ai cũng hiểu loại gà này dùng để làm gì và tại sao cần phải thiến gà. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp các bạn giải đáp các vấn đề xoay quanh con gà trống thiến đề các bạn không còn thắc mắc về loại gà này nữa.
Tại sao cần phải thiến gà
Thiến gà trước đây là việc mà rất nhiều người chăn nuôi áp dụng. Thiến gà giúp con gà đó tăng trọng tốt hơn, “hiền” hơn và đảm bảo được con gà đó sẽ không đạp mái nữa. Mục đích của việc thiến gà thứ nhất là để tăng hiệu quả kinh tế vì những con gà trống thiến có trọng lượng cao hơn so với những con gà bình thường. Bên cạnh đó, gà trống thiến chắc chắn sẽ không đạp mái được và phù hợp để làm gà cúng. Trước đây, khi mô hình nuôi gà thả vườn là mô hình phổ biến thì người chăn nuôi cần thiến gà để dành những con gà đó làm gà cúng. Còn hiện nay, nuôi gà theo mô hình nhốt chuồng nên người chăn nuôi đôi khi không cần thiến mà chỉ cần nhốt riêng những con gà cúng ra chuồng khác là được.
Gà trống thiến là gì
Gà trống thiến hay còn gọi là gà sống thiến, gà thiến là những con gà trống mới lớn chưa thành thục nhưng đã bị triệt sản. Để triệt sản gà trống thường người chăn nuôi sẽ lấy cặp tinh hoàn của gà ra khiến gà trống không còn khả năng sinh sản nữa. Hiện nay, việc thiến gà hiện nay thường chỉ áp dụng với những mô hình nuôi gà trống thiến, còn các mô hình nuôi thông thường thì người chăn nuôi không thiến gà.
Những cách thiến gà phổ biến
Hiện nay có 2 cách thiến gà là thiến móc và thiến sườn. Thiến móc trước đây được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng, ngày nay khi thiến gà số lượng lớn thì thường áp dụng cách thiến sườn:
- Thiến móc: cách thiến gà này người chăn nuôi sẽ rạch một vết nhỏ bằng 2 đầu ngón ở bụng gà gần phao câu. Phần da này bên dưới không có xương nên khi rạch ra có thể cho 2 ngón tay vào để móc tinh hoàn của gà ra. Do cách làm như vậy nên kiểu thiến gà này gọi là thiến móc. Sau khi thiến xong, chúng ta dùng chỉ khâu lại vết rạch và để gà tự liền. Cách làm này gà thường mất máu nhiều nên tỉ lệ sống thường chỉ đạt 70%.
- Thiến sườn: cách thiến sườn này phức tạp hơn chút. Đầu tiên phải đè cho gà nằm ngang. Rạch một vết ở phần sườn của gà gần vị trí tinh hoàn. Dùng chỉ làm thành một cái thòng lọng nhẹ nhàng móc vào tinh hoàn. Dùng một que xiên xiên vào tinh hoàn vừa móc thòng lọng. Siết thòng lọng để tinh hoàn gà đứt hẳn ra, dùng que xiên nhẹ nhàng kéo tinh hoàn ra bên ngoài. Sau khi đã loại bỏ được 2 tinh hoàn của gà thì khâu lại về rạch. Cách làm này phức tạp hơn nhưng gà mất máu ít nên tỉ lệ sống cao hơn phương pháp thiến móc.
Gà trống thiến sót, gà sống thiến sót là gì
Trước đây trong chương trình gặp nhau cuối tuần có một từ viết tắt là GS.TS được các danh hài tạm dịch là “gà sống thiến sót”. Từ đó, rất nhiều bạn biết đến loại gà này. Thực chất gà sống thiến sót là loại gà trống thiến nhưng trong quá trình thiến người thiến làm vỡ tinh hoàn dẫn đến việc sau khi thiến vẫn còn một phần tinh hoàn dính bên trong. Những con gà này dù đã thiến nhưng sau đó vẫn có thể đạp mái được. Tất nhiên, gà sống thiến sót đạp mái được nhưng thuộc đạng … yếu sinh lý.
Gà trống thiến có làm gà cúng được không
Như vừa nói trên, gà trống thiến là những con gà chưa từng giao phối nên loại gà này có thể coi là một loại gà cúng rất tốt. Trước đây, người chăn nuôi thường thiến gà để dành những con gà đó là gà cúng vào những dịp lễ tết dâng lên tổ. Ngoài ra, gà trống thiến cũng có thể dùng làm gà cúng trong đêm giao thừa với mong muốn mang lại mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Như vậy, với những giải thích trên và gà sống thiến chắc các bạn đã hiểu hơn về loại gà này rồi phải không. Vì gà thiến có khả năng tăng cân nhanh nên hiện nay nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng mô hình nuôi gà trống thiến mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt.